Tìm kiếm :      Từ khóa hot: máy lọc nước, dây chuyền, lọc nước, Hợp Phát

"Còn giá trị nào cao hơn độc lập dân tộc?"

"Dân sinh là vấn đề cuối cùng, tuy rất quan trọng nhưng vẫn phải đặt khai dân trí, chấn dân khí lên hàng đầu, rồi hậu dân sinh sẽ đến như hệ quả tự nhiên" - nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư.

PGS Phạm Vĩnh Cư là tiến sĩ ngữ văn chuyên về văn học Nga và những vấn đề lý thuyết và thực tiễn văn hóa, nghệ thuật, nhưng những tác phẩm dịch của ông lại thiên về lĩnh vực triết học, khoa học xã hội và nhân văn.

Ông có nhiều công trình dịch thuật đặc sắc về văn học, văn hóa, tư tưởng Nga qua các tác phẩm: Triết học đạo đức (tập hợp ba tác phẩm đạo đức học của ba triết gia lớn thế kỷ 20 là Biện chính cái thiện. Triết học đạo đức của Vladimir Soloviev (Nga), Đạo đức học sơ yếu của Karol Vojtyla (Ba Lan) và Triết học ngưỡng mộ sự sống của Albert Schweitzer (Đức - Pháp), Siêu lý tình yêu của Vladimir Soloviev...

Năm 2009 ông được nhận giải thưởng Phan Châu Trinh cho công trình dịch thuật này.

Ấn tượng với lời phát biểu: "Tôi dịch triết học vì mong muốn Việt Nam có  triết học", Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông.

Triết học Nga: "phát triển, thấu triệt"

Nếu có thể nói về công trình Triết học đạo đức Nga trong một câu ngắn, ông sẽ nói như thế nào?

Triết học đạo đức Nga là một bước phát triển mới, tôi cho là cao nhất của triết học đạo đức nhân loại.

Bởi vì, triết học Nga sinh sau đẻ muộn so với nhiều nền triết học phương Tây nên được tiếp thu và phát triển những tinh hoa đã có trước. Đó chính là lý do tôi dịch, giới thiệu công trình này với độc giả Việt Nam. Nếu tôi không làm, sẽ không ai làm, chúng ta sẽ bỏ lỡ một công trình vô giá.

Nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư tại lễ trao giải Phan Châu Trinh.

Trước nay người Việt Nam chỉ biết ở Trung Quốc có Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử; ở Hy Lạp và Châu Âu xưa có Aristoteles (Arixtot), Platon .. vv.. sau đó là Kant, Hegel, Marx... hoàn toàn không biết đến một cái tên nào của triết học Nga.

Nhưng đó chỉ là một phần, cái chính tôi thấy đó là một nền triết học hay, đáng để người Việt Nam quan tâm và thấu triệt nó.

Triết học Trung Hoa lấy trung tâm là đạo sống, tập trung vào đạo đức xã hội, quan hệ giữa người với người. Vua với tôi thế nào, vợ với chồng ra sao, con với bố phải thế nào. Người Trung Hoa không quan tâm lắm đến triết học siêu hình: vũ trụ, thượng đế, thần linh.

Ngược lại, triết học Ấn Độ lại lấy trung tâm là thế giới siêu hình. Họ tập trung nói về thế giới siêu hình, vũ trụ luận. 'Con người từ đâu đến và sẽ về đâu? và Con người có vị trí nào trong vũ trụ?' là câu hỏi chính của triết học Ấn Độ.

Trung tâm của triết học phương Tây là những câu hỏi: tại sao? Như thế nào? Họ tự đặt ra những câu hỏi và tìm cách giải đáp câu hỏi. Người Châu Âu lấy lý trí làm kim chỉ nam, sự thống trị của lý trí dần dần dẫn đến chủ nghĩa vô thần và vật chất đơn nguyên.

Khác người Việt Nam ta trước khi xây nhà làm lễ động thổ, khấn vái theo tinh thần: nếu như có thần linh thì tôi đã xin phép rồi nhé. 'Có thờ có thiêng, có kiêng có lành'.

Triết học Nga thừa nhận đinh ninh rằng có đấng sáng tạo, nhưng lại nhấn mạnh sứ mệnh của con người trong việc xuất hiện vào thời điểm các nền triết học phương Tây đang ngả hẳn về hướng vô thần, thực hiện "cơ đồ hoàn vũ" của Thượng Đế; nhưng phát triển thấu triệt theo hướng vừa "vị thần" vừa "vị nhân".

Sùng bái quá đà, phỉ báng tuyệt đối

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội". Biết rằng mỗi dân tộc hay những nền văn hóa khác nhau sẽ sản sinh ra những giá trị tinh thần khác nhau, nhưng chúng ta có cách nào tìm ra và tiếp cận được một giá trị chung, căn bản, không cực đoan; làm sao để không quá sùng bái một giá trị hoặc ngược lại phủ nhận hoàn toàn giá trị khác?

Chúng ta tiếp thu rất nhiều tinh hoa nhân loại. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Việt Nam có những kẻ đô hộ khác, mang những xu hướng văn hóa khác nhau đến. Ngoài việc tiếp thu một cách tự nhiên, sự sùng bái hay báng nhạo thái quá đều do ảnh hưởng của yếu tố chính trị, điều đó rất dễ nhận ra; nhưng còn một tính chất nữa, đó là bản năng bầy đàn, mà bản năng này ở người Việt rất nặng.

Khi chúng ta sùng bái Trung Quốc, trong hàng nghìn năm ta chỉ biết có Trung Quốc thôi. Khi Pháp vào, ta chạy theo văn hóa Pháp. Khi nhìn thấy thiên đường ở Liên Xô, ta lại nhất nhất chỉ có Liên Xô mà thôi. Mới đây là lại thần tượng cựu thù của ta là Mỹ thì giá trị Mỹ lại được tung hô khắp nơi. Ngay các bà nội trợ có quả nho, quả táo ngon nhất cũng gọi là nho Mỹ, táo Mỹ.

Rất khó thay đổi tính chất đó, cũng như chuyện nghệ thuật bị chi phối bởi chính trị là chuyện tất yếu, rất khó thay đổi.

Như câu thơ điển hình 'Yêu biết mấy khi con học nói/ Tiếng đầu lòng con gọi Xít - ta - lin' của nhà thơ Tố Hữu?

Đúng, không ở đâu quan điểm chính trị lại ảnh hưởng và tham gia vào đời sống văn hóa quá trực tiếp như ở ta. Trong bài thơ Đời đời nhớ ông trên của Tố Hữu còn có những câu: Nay mai dân có ruộng cày/Nay mai độc lập ơn này nhờ ai/Ơn này nhớ để hai vai/Một vai ơn Bác, một vai ơn Người'. Người ở đây chính là Stalin đó !

Đây là một chuyện dài, vô cùng vô tận.

Đã đến lúc phải tìm hệ giá trị cao hơn

Thực ra có thể nhận thấy sự chi phối này ở ngay các tác phẩm thơ ca, sân khấu, phim ảnh.. mà người ta vẫn gọi là hàng 'cúng cụ' bây giờ vẫn đang tồn tại dù đã bị kêu ca rất nhiều. Ngược lại, một chuyên gia đã kêu lên "chúng ta cố giáo dục các em nhỏ phải căm thù thực dân Pháp, nhưng căm thù đến nỗi không thèm biết Vichto Hugo là ai thì ta đã quá sai lầm".

Sự sai lầm đó đang phủ những tác động cứng nhắc và trì trệ lên nền văn hóa - giáo dục của ta.

Có cách nào tách bạch được giá trị bất biến, cao nhất của tri thức nhân loại mà không bị chi phối bởi một quan điểm hay quan hệ chính trị nào hay không?

Điều chính nhất là Việt Nam hiện nay đang thiếu những quan niệm cơ bản về giá trị. Người Việt có thể có những quan niệm rất cứng rắn về một số giá trị. Ví dụ: độc lập dân tộc đối với ta là giá trị cao nhất, không có gì có thể mâu thuẫn với độc lập dân tộc.

Nhưng bây giờ ngoài độc lập dân tộc, ta có đặt ra một giá trị nào cao hơn - hay ít nhất ngang tầm độc lập dân tộc - hay không. Không! Hiện nay ta mới thống nhất với nhau một giá trị cao nhất đó thôi.

Nhưng đủ hay không?

Độc lập dân tộc là đúng và cần thiết nhưng chưa đủ. Chừng nào ta chưa theo đuổi tha thiết một giá trị nào cao hơn độc lập dân tộc, thì ta sẽ bị chi phối bởi những quan niệm vô hình là ta có độc lập dân tộc là có hết.

Những hiện tượng như kịch phim 'cúng cụ' là có, nhưng để nhận diện và phê phán những cái đó quá dễ. Vấn đề sâu xa hơn vẫn là người Việt đã xây dựng được một hệ giá trị như thế nào.


Tôi rất tâm đắc khẩu hiệu mà các cụ ngày xưa đã chủ trương là 'khai dân trí, trấn dân khí, hậu dân sinh'. Dân sinh là vấn đề cuối cùng, tuy rất quan trọng nhưng vẫn phải đặt khai dân trí, chấn dân khí lên hàng đầu, rồi hậu dân sinh sẽ đến như hệ quả tự nhiên.

Còn như mục tiêu của chúng ta hiện nay: dân giàu đâu phải là giá trị tự thân, nước mạnh cũng không phải là giá trị tự thân. Nếu lấy tiêu chí đó làm đầu thì ta suốt đời thua thiệt, chạy đuổi nước khác cũng không lại. Mà mạnh thì mạnh đến đâu? phải bằng Mỹ, Nhật, Pháp hay Trung Quốc? Mà mạnh làm gì?

Một quốc gia như Đan Mạch là một nước nhỏ, dân số chỉ có 10 triệu. Họ không có những tiêu chí dân giàu, nước mạnh, nhưng họ có những trí tuệ lớn, những thiên tài lớn trong cả quá khứ cũng như hiện tại.

Đã đến lúc cần sắp xếp lại hệ giá trị, dân giàu nước mạnh là những phương tiện, nhưng không phải là mục đích.

Giống như câu 'triết lý' loanh quanh: ăn để sống hay sống để ăn?

Đấy, chính xác là thế, mà ngay câu đó chúng ta cũng vẫn không trả lời được rõ ràng. Tất nhiên ăn để sống, nhưng ăn là một trong những niềm vui sống, vui hưởng thụ bên cạnh nhiều niềm vui khác, nhưng mọi niềm vui đều không thể là mục đích của sự tồn tại.

 

Độc lập dân tộc quả là một giá trị cao quý, nhưng không phải giá trị tự đủ, cần có giá trị cao hơn. Tuy tôi không nhất trí, nhưng thôi cứ giả định lúc ta chưa có độc lập,  thì độc lập dân tộc là cao nhất. Nhưng chúng ta đã độc lập mấy chục năm rồi, bây giờ thực ra đã là muộn rồi, nhưng vẫn nhất thiết  xây dựng cho xã hội và nhà nước ta một hệ thống những giá trị cao nhất.


Quay lại